“Đối tượng khách hàng của bạn là ai?” Đây là một câu hỏi vô cùng quan trọng mà bất kỳ nhà quản lý nào cũng cần giải đáp được nếu muốn kinh doanh hiệu quả. Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn cũng vậy, để có thể xây dựng thương hiệu, lên chiến dịch marketing hay làm bất kỳ việc gì, bạn cũng cần thực hiện bước đầu tiên là xác định nhóm khách hàng mục tiêu. Vậy những mô hình kinh doanh khách sạn nhiều du khách yêu thích như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có được một số gợi ý thú vị.
Kinh doanh khách sạn là gì?
Kinh doanh khách sạn, nhà hàng là hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí, nghỉ ngơi thư giãn của con người nhằm thu về lợi nhuận.
Để kinh doanh khách sạn, đòi hỏi bạn phải có địa điểm ưu thế (ở gần khu du lịch, khu đô thị lớn,…), số lượng vốn đầu tư lớn, lựa chọn loại hình khách sạn, hoàn thành thủ tục cấp phép kinh doanh và đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp. Đặc biệt, bạn cần hiểu và có chiến lược quảng bá thường hiệu phù hợp.
Có nên kinh doanh khách sạn không?
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ, kinh doanh khách sạn đang trở thành con đường hot kiếm nguồn lợi nhuận khổng lồ. Nhưng đây cũng là ngành có nhiều thách thức lớn khi mà có quá nhiều đối thủ cạnh tranh một thị trường Việt Nam bé nhỏ này.
Nhất là trong thời đại 4.0 phát triển như hiện nay, kinh doanh khách sạn sẽ gặp phải một số thách thức sau:
- Sự cạnh tranh về giá từ các đơn vị trung gian cho thuê phòng và dịch vụ (ví dụ như Airbnb, các app booking, đại lý du lịch, ctv du lịch,…). Đây sẽ là mối đe dọa lớn cho các đơn vị kinh doanh khách sạn truyền thống. Bạn phải chia % cho họ nếu muốn họ kiếm khách về cho bạn nhiều hơn.
- Nhu cầu và kỳ vọng của khách hàng ngày một cao: Khách hàng sẽ ngày càng đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng dịch vụ, không gian, hệ thống giải trí cùng các trải nghiệm khác. Nếu bạn không điều chỉnh, đổi thay để tạo cảm giác mới lạ gây hứng thú với khách hàng thì sẽ rất nhanh bị đào thải.
- Các xu hướng tiếp thị dần thay đổi: Sự phát triển mạnh của internet khiến hình thức tiếp thị có sự thay đổi. Với kinh doanh khách sạn cũng bị ảnh hưởng. Khi mà người người nhà nhà đều đang đua nhau “chen chân” vào thị trường online nhằm thu hút khách hàng nhiều hơn. Nếu bạn không có mặt trên internet, bạn sẽ khó mà có được lượng khách dồi dào.
Ngoài ra, cũng như nhiều lĩnh vực khác, kinh doanh khách sạn cũng dễ gặp phải “cảnh ngộ” khi xây dựng lòng trung thành khách hàng và vấn đề an toàn dữ liệu,…
Nhưng thách thức cũng sẽ là cơ hội, nếu bạn biết tận dụng, điều chỉnh, sáng tạo và bắt kịp xu thế. Đặc biệt, khi mà Việt Nam đang là một trong những nước có tiềm năng du lịch lớn, có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn chưa được khai thác triệt để. Một thị trường tuyệt vời để bạn “nhảy chân” vào.
Chỉ cần bạn biết khách hàng mình là ai, hiểu họ cần gì. Sau đó, bạn cung cấp cho họ những dịch vụ chất lượng, trải nghiệm sáng tạo và đa dạng. Kết hợp cùng các chiến lược marketing phù hợp như thiết kế website khách sạn – resort, việc kinh doanh khách sạn sẽ không còn là khó khăn nhiều đối với bạn.
Những mô hình kinh doanh khách sạn được yêu thích bạn cần phải biết
Hiểu được khách hàng của mình là ai sẽ giúp bạn trả lời được hết tất cả các câu hỏi, vấn đề nan giải phía sau trong kinh doanh khách sạn. Tuy nhiên, trước khi tìm hiểu nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu, hãy quay lại và giải đáp vấn đề: “Loại hình khách sạn bạn định kinh doanh là gì?”. Tại sao phải trả lời câu hỏi này?
Bởi lẽ, mỗi loại hình kinh doanh khách sạn khác nhau sẽ có nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau phù hợp với dịch vụ mà bạn cung cấp. Từ loại hình thiết kế khách sạn, bạn sẽ tìm được nhóm đối tượng khách hàng phù hợp.
Bài viết dưới đây sẽ gợi ý tới bạn những nhóm đối tượng khách hàng mục tiêu theo loại hình khách sạn kinh doanh.
Khách sạn thương mại
Với những khách sạn hoạt động theo hình thức thương mại, nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu ở đây chính là những doanh nhân thường xuyên đi công tác hay những người đi du lịch trong thời gian ngắn.
Đây cũng là loại hình khách sạn phổ biến nhất. 2 nhóm khách hàng chính là: thương nhân và khách đi du lịch. Nhưng 2 nhóm khách này lại có những nhu cầu về dịch vụ khác nhau. Bởi vậy, nhà kinh doanh cần cân đối các dịch vụ tùy theo năng lực và mục đích hoạt động của khách sạn mà điều hướng cho phù hợp.
Khách sạn nghỉ dưỡng (resort)
Khách sạn nghỉ dưỡng mục đích chính là cung cấp dịch vụ cho những đối tượng khách hàng có nhu cầu nghỉ ngơi, thư giãn thực thụ. Bởi vậy, khách sạn nghỉ dưỡng thường được xây dựng ở những nơi có vị trí đẹp, cơ sở vật chất được đầu tư chất lượng, dịch vụ cũng được quan tâm chuyên nghiệp hơn.
Khách sạn sân bay
Loại hình khách sạn chủ yếu phục vụ các nhóm khách hàng là phi công, tiếp viên, những người làm việc trong sân bay cần một địa điểm nghỉ ngơi trong thời gian nhất định.
Nhóm đối tượng khách hàng nữa của loại hình khách sạn sân bay là những khách quá cảnh chờ chuyến bay với thời gian lưu trú ngắn.
Khách sạn bình dân
Với khách sạn bình dân, nhóm đối tượng khách hàng chính là người qua đường, chỉ cần một chỗ nghỉ ngơi với mức giá rẻ. Ví dụ như: dân phượt, người có nhu cầu nghỉ qua đêm,…
Khách sạn bình dân được xây dựng phổ biến ở bến xe, nhà ga, những nơi có đông dân sống.
Khách sạn căn hộ (Condotel/ Apartment)
Đây là loại hình khách sạn có đầy đủ nội thất, tiện nghi như một căn hộ bình thường từ bàn ghế, bếp, nhà ăn, máy giặt,… Thường được kinh doanh dưới dạng cho thuê.
Nhóm khách hàng chủ yếu là: nhóm bạn bè, gia đình hay những người có nhu cầu lưu trú dài hạn.
Khách sạn nổi
Dạng khách sạn trên tàu, du thuyền, có thể cố định một vùng hoặc di chuyển từ vùng nước này sang vùng nước khác. Hình thức khách sạn này có nhóm đối tượng khách hàng chủ yếu là khách du lịch, người đi di cư,…
Khách sạn sòng bạc
Khách sạn sòng bạc phục vụ chủ yếu nhóm khách hàng đến sòng bạc vui chơi, giải trí. Các dạng khách sạn sòng bạc bởi thế mà được đầu tư về nội thất cao cấp cũng như trang thiết bị hiện đại, nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của những người có tiền.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều loại hình khách sạn hấp dẫn khác. Tùy vào từng khu vực, hướng kinh doanh khách sạn mà đối tượng khách hàng cũng sẽ khác nhau. Khi bạn hiểu rõ đối tượng khách hàng của mình là ai, bước tiếp theo của bạn chính là làm sao để thu hút, biến họ từ khách hàng mục tiêu trở thành khách hàng thực thụ của bạn.